Chiến thuật của các bên Chiến_dịch_Linebacker_II

Không quân Mỹ

Boeing B-52H triển lãm cùng vũ khíVệt bom sau khi B-52 rải thảm. 1 nhóm 3 chiếc B-52 có thể tạo ra 1 vệt bom dài 3 km và rộng 1,5 km, gồm chi chít các hố bom

Trước khi diễn ra chiến dịch, B-52 đã nhiều lần bay vào oanh tạc không phận miền Bắc Việt Nam. Lần đầu tiên máy bay B-52 tham chiến chính là tại Việt Nam, và tại đây nó đã thể hiện sức tàn phá rất ghê gớm. B-52 là vũ khí chủ bài của Không quân chiến lược Mỹ, được thiết kế để đối phó với siêu cường đối thủ là Liên Xô. Máy bay B-52 có kích thước khổng lồ, tầm bay rất xa và lượng bom mang theo rất lớn (hơn 30 tấn bom mỗi chiếc, gấp 15 lần số bom mà máy bay ném bom hạng nặng chủ lực của Mỹ thời thế chiến 2 là B-17 có thể mang theo). Do đó, B-52 còn được mệnh danh là "Pháo đài chiến lược (Stratofortress)", hoặc đơn giản hơn là "Pháo đài bay".

Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9–10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom (mỗi chiếc ném hơn 30 tấn) với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km². Nếu một quả bom tiêu chuẩn là 500 lb (gần 250 kg) thì mật độ bom rơi là khoảng 130 quả trên 1 km², tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80 mét. Với mật độ ném bom cao như vậy, xác suất hủy diệt sinh mạng và phá hủy công trình trong dải bom của B-52 sẽ là cực cao.

Không quân Mỹ có một thuận lợi đến từ đồng minh của mình. Trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã tịch thu được hơn 20 hệ thống SAM-2 nguyên vẹn bị quân Ả Rập bỏ lại khi rút chạy, nhờ vậy Mỹ đã nắm được tường tận chi tiết của hệ thống này.[25] Năm 1969, đến lượt 1 hệ thống radar cảnh giới P-12 của Ai Cập bị Israel bắt giữ nguyên vẹn, toàn bộ kết quả phân tích được chuyển giao cho Mỹ.[26]

Như vậy đến năm 1970, các loại radar phòng không chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam đều đã bị Mỹ nắm bắt, và Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả. Như phiên bản B-52D, lúc đầu mang 8 máy gây nhiễu, thì tới tháng 12/1972 đã có tới 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp 3 chiếc B-52 có 45 máy, như vậy tất cả nhiễu đó tạo thành giải nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn và rộng. Phiên bản B-52G có khoang lắp đặt thiết bị điện tử được mở rộng để lắp hệ thống gây nhiễu mới. B-52G được trang bị 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 2 máy thu tần số radar để tạo màn nhiễu dày đặc che toàn bộ máy bay trước hệ thống radar, tên lửa phòng không của đối phương. Các thiết bị này sẽ tự động thu, phân tích tần số sóng radar của đối phương và cung cấp cho sĩ quan điều khiển để lựa chọn phát tần số sóng để chế áp. Theo một số phi công Mỹ, chỉ riêng hệ thống gây nhiễu trên B-52G đã có giá tương đương một chiến đấu cơ F-4D. Ngoài ra, B-52G còn được lắp 4 đạn tên lửa "chim mồi" ADM-20 Quail (chim cút). Khi được phóng, ADM-20 sẽ giả lập tín hiệu giống máy bay B-52 để tạo mục tiêu giả thay cho B-52 nhằm đánh lừa tên lửa của đối phương.

Với vai trò là máy bay ném bom chiến lược, các phi đội B-52 không hoạt động độc lập mà được hộ tống bởi các máy bay trinh sát điện tử EA-6A, EB-66, EC-121 và các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động đi kèm. Rất nhiều phi đội F-4 đã giả lập tín hiệu nhiễu của B-52 hòng lừa lưới lửa phòng không đối phương. Các máy bay F-4 còn thả các "bom" gây nhiễu gồm hàng triệu sợi kim loại màu bạc, rất mỏng nhẹ (mỗi quả bom chứa 450 bó nhiễu), các sợi kim loại gây nhiễu này có thể làm radar không thể nhận diện được các mục tiêu, nặng thì làm trắng xóa màn hình radar (mất hoàn toàn khả năng theo dõi và bám mục tiêu). Các biện pháp gây nhiễu tổng hợp của Mỹ khiến rada của hệ thống phòng không gặp nhiễu, không thể phát hiện và khóa bắn được B-52. Các đài radar nhìn vòng P-12 của các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 chỉ thu được các giải nhiễu đậm đặc, có lúc làm trắng xóa cả màn hình.

Để kiểm chứng khả năng của hệ thống gây nhiễu, rạng sáng ngày 16/4/1972, bắt đầu từ 2 giờ 15 phút, Mỹ huy động 20 máy bay B-52 và 170 lần/chiếc máy bay cường kích, ném bom ba trận lớn vào Hải Phòng. 103 nơi trong thành phố bị bom Mỹ tàn phá như các khu phố Thượng Lý, Hạ Lý, Cầu Tre, bến cảng và thôn Phúc Lộc (Kiến Thụy)… Bom Mỹ đã giết và làm bị thương 757 người dân Hải Phòng mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em và cụ già. Hai trung đoàn tên lửa số 238 và 285 đã phóng lên đến 93 quả tên lửa SAM-2 nhưng không diệt được chiếc B-52 nào vì bị gây nhiễu quá nặng.

Ngoài ra, vũ khí lợi hại là tên lửa chống radar (như loại AGM-45 Shrike, AGM-78 Standard ARM). Tên lửa Shrike sau khi phóng sẽ tìm và "bắt" mục tiêu theo sóng radar, rồi lao thẳng vào gây nổ, là vũ khí chuyên dụng để phá hủy các hệ thống phòng không đối phương. Khi cách rađa vài chục mét thì tên lửa phát nổ lần thứ nhất, văng ra hàng vạn viên bi vuông để phả hủy rađa, tiếp đó phần còn lại lao xuống đất nổ lần thứ 2 để phá hủy nốt. Tại Trung Đông, hàng chục hệ thống tên lửa phòng không của Khối Ả Rập từng bị loại tên lửa này phá hủy, khiến lực lượng này mất khả năng chiến đấu[27]

Với một loạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, không quân Mỹ tự tin rằng hệ thống phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không thể chống trả được. Mỹ tin rằng B-52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của phòng không – không quân Việt Nam, cuộc tập kích của B-52 vào miền Bắc Việt Nam sẽ chỉ như “một cuộc dạo chơi” với tổn thất ở mức tối thiểu[28][29].

Quân đội nhân dân Việt Nam

Đánh bằng vũ khí phòng không

Ở thời điểm năm 1972, SAM-2 là loại tên lửa phòng không duy nhất có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Được sản xuất vào giữa thập niên 1950, đến thời điểm năm 1972, SAM-2 đã tỏ ra khá lạc hậu, và còn bị lộ bí mật công nghệ cho đối phương (do Israel thu được một số hệ thống SAM-2 của Ai Cập và chuyển cho Mỹ phân tích). Khi đó, Liên Xô đã thay thế loại tên lửa này bằng những hệ thống SAM-4, SAM-5, SAM-6 có tính năng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do chính sách hòa giải với Mỹ nên Liên Xô đã không viện trợ những loại tên lửa mới này cho Việt Nam. Không quân Mỹ sẽ không phải lo phía Việt Nam được trang bị những hệ thống tên lửa phòng không kiểu mới mà Mỹ chưa biết cách khắc chế.

Không có tên lửa phòng không kiểu mới, Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng khá thiếu về số lượng hệ thống tên lửa SAM-2. Toàn bộ lực lượng phòng không Việt Nam vào cuối năm 1972 có khoảng 50 hệ thống SAM-2 (nguồn khác nói rằng có 36 hệ thống sẵn sàng chiến đấu[30], trong đó chỉ có 23 hệ thống bố trí tại các khu vực mà máy bay Mỹ sẽ đánh phá trong chiến dịch. Con số này chỉ bằng 1/7 số lượng hệ thống phòng không mà quân Ả Rập sử dụng trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, và càng không đáng kể nếu so với số lượng máy bay Mỹ huy động cho chiến dịch (1.077 máy bay phản lực và 207 chiếc B-52).

Nhìn chung, Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể trông chờ vào ưu thế vũ khí để chống lại Mỹ, bởi phía Việt Nam yếu thế hơn hẳn cả về công nghệ lẫn số lượng. Để tìm cách chống trả bằng những gì hiện có trong tay, Quân đội Nhân dân Việt Nam phải tìm ra những chiến thuật mới để khắc chế ưu thế về vũ khí của Mỹ.

Tên lửa SAM và pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu các biện pháp chống nhiễu, nghiên cứu cách đánh, kiên quyết bắn rơi máy bay chiến lược B-52. Sau 19 ngày Mỹ đem thả bom ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, ngày 19 tháng 7 năm 1965, Hồ Chí Minh nói: "Dù Mỹ có B-57, B-52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. Các chú muốn bắt cọp phải vào hang."[31]

Từ cuối năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, trong đó có một bộ phận của tiểu đoàn trinh sát đi cùng các tiểu đoàn tên lửa vào nam Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn theo dõi, nghiên cứu nhận dạng và tìm cách đánh máy bay B-52.

Qua theo dõi trong hai mùa khô năm 1968-1969 và 1969-1970, nhóm cán bộ phát hiện có một loại radar máy bay B-52 không gây nhiễu được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, một tổ cán bộ nghiên cứu đề xuất một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: Dùng loại radar không bị máy bay B-52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ tên lửa đánh B-52.

Tháng 1 năm 1972, tổ nghiên cứu hoàn thành bản vẽ thiết kế, sau đó chuyển đến Tiểu đoàn 76, Trung đoàn tên lửa 257 lắp ráp thành bộ khí tài mới. Tháng 6 năm 1972, Cục Kỹ thuật cung cấp bản vẽ và một số mẫu cho nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới để lắp ráp 6 bộ khí tài mới. Các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX.[32]

Bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B52", năm 1969.

Cùng với bộ khí tài KX, các tổ rada cũng nghiên cứu khả năng "vạch nhiễu" ở các loại rada khác, nhằm phát hiện được mục tiêu B-52 vốn rất mờ nhạt trong dải nhiễu. Các dạng nhiễu có đủ kiểu, đủ loại với những tên gọi khác nhau được đặt theo hình dáng như: nhiễu quét, nhiễu giọt mưa, nhiễu xoắn thừng, nhiễu râu… Theo quyển Lịch sử ngành quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Cục Quân khí - Quân chủng phòng không - không quân đã thành công trong việc cải tiến rađa K860 trong đó công lớn đầu thuộc về kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc. Cuối năm 1972, Cục Quân khí - Quân chủng phòng không - không quân tiếp nhận một số rađa K860 của Trung Quốc về để sửa chữa. Đây là loại radar có băng sóng 10 cm và băng sóng 3 cm vốn được trang bị đồng bộ cho pháo cao xạ tầm trung 57mm. Các băng sóng 10 cm thì đối phương dò được, phá nhiễu và tấn công lại, riêng băng sóng 3 cm thì hoàn toàn mới, quân Mỹ chưa biết, nhưng hầu hết các rađa K860 khi hoạt động thì băng sóng 3 cm toàn bị hỏng. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc đã phát hiện nguyên nhân băng sóng 3 cm không hoạt động là do mạch điện bị đấu sai. Chính nhờ có sáng kiến, cải tiến của kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc mà radar K860 hoạt động tốt với 2 băng sóng, bắt mục tiêu B52 một cách chính xác, nhờ đó dẫn đường cho tên lửa bắn hạ được B-52. Khi đó, Bộ tư lệnh phòng không không quân đã nhanh chóng triển khai ứng dụng cải tiến toàn bộ radar K860 cho các đơn vị tên lửa để đối phó với máy bay B-52.[33]

Tháng 10 năm 1972, tập tài liệu mang tên "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa" được in, gọi tắt là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ", dày 30 trang đánh máy và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ. Trong cuốn sách là kinh nghiệm phân biệt mục tiêu thật-giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu. Cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cho biết:

  • Tuy không quân Mỹ gây nhiễu dày đặc nhưng trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu trên màn hiện sóng, B-52 không phải là hoàn toàn vô hình, nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp: đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy mục tiêu không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: bắn một loạt đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được "cẩm nang" gọi là "phương án P".
  • Khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên, nhưng tín hiệu mục tiêu cũng sẽ tăng mạnh hơn, mục tiêu sẽ hiển thị rõ nét hơn, đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác theo "phương án T", khi đó chỉ cần bắn 1 đến 2 quả tên lửa là B-52 sẽ phải rơi tại chỗ.
  • Trong "cẩm nang" đồng thời cũng đề ra các hướng dẫn cụ thể cho các cấp chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn giải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu...

Một chiến thuật khác là "phương pháp bắn 3 điểm" dựa trên bộ khí tài hiện có. Khi B-52 bay vào Hà Nội, cường độ gây nhiễu cũng đã bị phân tán. Hướng này bị nhiễu nặng, song ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau… thì cường độ nhiễu thấp hơn, các đơn vị tên lửa ở các hướng đó có thể phát hiện được B-52 trên nền nhiễu. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau (3 hệ thống bố trí ở 3 nơi thành một khu vực phòng thủ hình tam giác), sao cho mỗi tốp máy bay Mỹ có thể bị công kích từ nhiều hệ thống tên lửa ở nhiều hướng, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu.[34]

Cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa", 1972.

Ngoài ra còn có kỹ thuật điều khiển bắn bằng quang học thay cho radar. Các kíp chiến đấu nhận thấy việc bám sát chia đôi dải nhiễu như trước đây không còn phù hợp và sẽ khó tiêu diệt được máy bay, trắc thủ hai góc phải bám sát dải nhiễu như thế nào để đưa máy bay địch vào đúng tâm cánh sóng thì mới có thể bám bắt và khai hỏa. Phương án sử dụng trắc thủ quang học để chỉ chuẩn cho các trắc thủ tay quay xe điều khiển bám sát. Từ năm 1968, các chuyên gia Liên Xô đã tiến hành lắp thêm kính quang học PA-00 trên nóc anten phương vị của xe thu phát. Thiết bị này được thiết kế để khi hai trắc thủ quang học bám sát chính xác vào một máy bay thì hai trắc thủ góc tà và phương vị của xe điều khiển cũng bám sát đúng vào chiếc máy bay đó, mặc dù trên màn hiện sóng là dải nhiễu tạp. Ngoài ra, đài radar P-12 của tiểu đoàn xác định chính xác cự li mục tiêu để chọn cự ly phóng đạn phù hợp.[35]

Đại tá Nguyễn Văn, chỉ huy 1 trung đoàn tên lửa phòng không, sau chiến tranh đã trả lời một quân nhân Mỹ: "Việc phát triển chiến thuật để đối phó với đối phương vượt trội về công nghệ là nhiệm vụ thường trực. Rốt cuộc, chính Liên Xô cũng phải học tập những chiến thuật của chúng tôi. Về mặt kỹ thuật, người Liên Xô là thầy của chúng tôi, nhưng về mặt thủ thuật, chúng tôi là thầy của họ"[36].

Đối với tên lửa chống radar của Mỹ, Quân đội Việt Nam đã nghiên cứu, vô hiệu hóa bằng cách phát sóng tức thì, tắt máy đột ngột và quay đài antenna đi hướng khác, tên lửa Shrike cứ thế lao theo quán tính và rơi chệch trận địa. Cùng với trận địa chính, bộ đội Việt Nam làm nhiều trận địa giả, sau mỗi lần phóng tên lửa lại nhanh chóng kéo bệ sang trận địa khác. Những quả tên lửa giả được làm bằng cót, phủ sơn trông như thật. Khi tên lửa thật phóng đạn, thì các bệ tên lửa giả cũng đốt rơm, tạo khói mù mịt đánh lừa máy bay Mỹ, khiến chúng không nhận ra đâu là trận địa thật Nhờ vậy trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, chỉ có một số ít trận địa phòng không bị đánh trúng, lực lượng phòng không Việt Nam vẫn bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu.

Một điểm đáng lưu ý, một số nguồn tin cho rằng tên lửa SA-2 đã được cải tiến nối tầng nâng tầm bắn. Nhưng thực tế là không phải, bởi tên lửa SA-2 có thể hạ mục tiêu ở độ cao trên 24.000m trong khi trần bay tối đa của B-52 chỉ là 17.000m (khi bay ném bom thì độ cao bay 10.000m), nên việc nâng tầm bắn là không cần thiết. Trên thực tế, yếu tố giúp bắn hạ B-52 nằm ở việc cải tiến các thiết bị radar để "vạch nhiễu tìm thù".

Một vấn đề khác liên quan là việc 2 hệ thống SAM-3 của Việt Nam không kịp tham chiến. Được Liên Xô viện trợ cho khối Ả Rập từ năm 1969 nhưng mãi tới năm 1972, Liên Xô mới đồng ý viện trợ SAM-3 cho Việt Nam (chính sách của Liên Xô là ưu tiên khối Ả Rập hơn và không viện trợ vũ khí mới cho Việt Nam để tránh gây căng thẳng với Mỹ, cũng như tránh bị Trung Quốc sao chép công nghệ). Theo kế hoạch, 2 trung đoàn SAM-3 cùng 200 quả tên lửa sẽ được đưa sang Việt Nam vào cuối tháng 12/1972. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, thì SAM-3 có tốc độ bắn nhanh hơn (có 2 tên lửa trên 1 bệ phóng thay vì 1 tên lửa như SA-2), khả năng chống nhiễu cao hơn do dùng tần số quét khác SAM-2, do đó có xác suất trúng mục tiêu cao hơn SAM-2. Tới đêm 18/12, Trung đoàn 276 – trung đoàn SAM-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang). Trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch trước. Ngày 30/12/1972, Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), nhân viên kỹ thuật triển khai nhanh dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SAM-3. Tuy nhiên, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất thì chiến dịch phòng không đã kết thúc vào đêm hôm trước.[37]

Đánh bằng không quân

Đối với không quân, trước chiến dịch, Không quân Nhân dân Việt Nam chỉ có 71 máy bay các loại sắn sàng hoạt động, trong đó chỉ có 47 tiêm kích (31 chiếc MiG-21 và 16 chiếc MiG-17). Phần lớn phi công không quen bay vào ban đêm, chỉ có 13 phi công MiG-21 và 5 phi công MiG-17 có khả năng bay đêm. Trong số 194 phi công, 75 người (khoảng 40%) tuổi đời vẫn còn rất trẻ.[30]

Do thua kém quá xa không quân Mỹ về số lượng máy bay, Không quân Việt Nam nhấn mạnh việc sử dụng chiến thuật bất ngờ. Tiếp cận bí mật, tấn công bất ngờ và rút lui thật nhanh sau khi phóng tên lửa là chiến thuật thường được sử dụng bởi các phi công Việt Nam.

Ngay từ giữa 1972, 12 phi công đã được chọn để lái tiêm kích bay đêm (vốn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với tiêm kích ban ngày) để sẵn sàng đón đánh B-52. Phi công Phạm Tuân cho biết: "Với không quân thì khó khăn hơn, máy bay B-52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu rađa, gây nhiễu mục tiêu… ngoài ra, bản thân B-52 được trang bị tên lửa mồi, nếu MiG-21 bắn tên lửa thì B-52 thả tên lửa mồi, chưa kể B-52 cũng được trang bị súng phía đuôi có khả năng tiêu diệt máy bay tiêm kích. B-52 còn được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F-4 bảo vệ B-52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B-52. Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của Không quân Nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, khi đó máy bay có thể cất cánh trên đường băng chỉ 200-300m so với đường băng 1,5 km thông thường... Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay, nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu, rất khó biết B52 nằm ở chỗ nào, rất khó biết được chính xác. Thế cho nên, phi công phải chủ động. Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào."[31]

Đánh tại sân bay[38]

Với chủ trương: địch xuất phát từ đâu, ta sẽ đánh trả ngay tại nơi sào huyệt của chúng, và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán ý đồ của Mỹ. Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công đã giao nhiệm vụ cho Thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng Binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào những căn cứ máy bay B-52 của Mỹ tại Thái Lan.

Đánh Sân bay Hải quân Hoàng gia Thái Lan Utapao

Tháng 5 năm 1971, Lê Toàn - Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đã cùng một tổ công tác vượt biên giới sang Campuchia rồi từ đó lên sát biên giới Thái Lan, trực tiếp bắt liên lạc và thành lập một tổ đặc công gồm Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài đang hoạt động ở Thái Lan.

Nhận nhiệm vụ tổ chức trận đánh, Trần Thế Lại đã liên lạc và giao nhiệm vụ cho Bùi Văn Phương chuẩn bị vị trí cất giấu vũ khí, giả trang là dân thường đến khu vực sân bay Utapao để điều tra, nghiên cứu mục tiêu, nắm tình hình sơ bộ và kiểm tra nơi cất giấu vũ khí.

Từ ngày 5 đến 09 tháng 11 năm 1971, Vũ Công ĐàiBùi Văn Phương (là hai người sẽ trực tiếp thực hiện trận đánh) đã gặp nhau bàn bạc thống nhất kế hoạch, nội dung và phương pháp. Các anh đã dự kiến một phương án tấn công sân bay là phá hủy bí mật bằng thủ pháo nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. Vũ khí sẽ sử dụng là 10 quả thủ pháo loại 0,4 kg bằng chất nổ mạnh C4 và 2 quả lựu đạn.

Ngày 09 tháng 01 năm 1972, hai anh đi xe đến gần khu vực sân bay. Quá trình tiềm nhập vào mục tiêu, các chiến sĩ đặc công đã ba lần gặp địch. Hai lần khéo léo ngụy trang qua khỏi tầm mắt của chúng, đến lần thứ ba trong một tình thế đặc biệt buộc tổ chiến đấu phải nổ súng tiêu diệt nhóm tuần tra gồm hai lính Mỹ và một chó béc giê. Khi vào cách nơi máy bay B-52 đỗ khoảng 300m, bất ngờ gặp 3 xe ôtô và 2 lính Mỹ, hai người phải vòng tránh theo hướng khác. Khi khoảng cách còn 50m, một tổ tuần tra khác của địch phát hiện nổ súng bắn chặn, Bùi Văn Phương tung lựu đạn về phía địch. Hai anh dùng thủ pháo đánh vào từng chiếc máy bay. Số thủ pháo vừa hết, Bùi Văn Phương ra lệnh rút lui.

Trong trận đánh này, 8 chiếc máy bay B-52 bị phá hỏng, Vũ Công Đài mất.

Đánh sân bay Udon

Tháng 07 năm 1972, Đoàn A54 cử 23 cán bộ, chiến sĩ thành một tổ soi đường và một tổ bảo đảm hậu cần, vượt Trường Sơn hành quân đến khu rừng nguyên sinh Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới 3 nước Thái Lan - Lào - Campuchia, lập một trạm chỉ huy nghiên cứu tình hình, mở hành lang vào khu vực sân bay Udon.

Tháng 08 năm 1972, tổ soi đường đã liên lạc được với một cơ sở lực lượng cách mạng trên đất Thái Lan. Hàng ngày, các anh thường đóng giả người dân Thái Lan nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát khu vực sân bay.

Cuối tháng 08 năm 1972, một đội hình chiến đấu gồm 10 người được thành lập do Đào Đức Hạnh - Đoàn trưởng Đoàn A54 chỉ huy tới cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan (Căn cứ 07). Phương án đánh B52 lần này là dùng mìn nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. Tám đồng chí trong đội hình chiến đấu chia làm ba tổ, trong đó hai người có nhiệm vụ mở cửa và bảo vệ cửa mở; bốn người đánh phá máy bay, hai người đánh phá kho xăng. Tháng 09 năm 1972, đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát tạo hành lang từ Căn cứ 07 đến sân bay Udon, nhằm xác định vị trí tập kết, xác định đường đột nhập vào sân bay.

Ngày 01 tháng 10 năm 1972, đội hình chiến đấu bắt đầu cơ động vào sát khu vực sân bay Udon đến gần sáng ngày 02 tháng 10, đội mới tới được gần sân bay. Tối ngày 02 tháng 10 năm 1972, hai tổ chiến đấu tiềm nhập vào sân bay, tổ mở cửa triển khai bảo vệ đầu cầu. Theo hiệp đồng chiến đấu, sau khi cài đặt lượng nổ, mìn hẹn giờ vào mục tiêu, cả hai tổ phải rút ngay để kịp rời sân bay trước khi trời sáng. Cho tới 10 giờ sáng ngày 03 tháng 10, tổ đánh kho xăng và tổ mở cửa mới gặp được nhau, bốn người còn lại của tổ đánh B-52 vẫn chưa thể thoát ra được.

Trong trận đánh này, một số máy bay, 1 trạm điện, 1 kho xăng đã bị phá hủy, 1 lính canh sân bay chết và 6 lính đối phương bị thương. Tuy nhiên, ba người lính đặc công là Phan Xuân Kính, Phạm Văn Lãm, Vũ Công Xướng đã hy sinh ngay tại sân bay, Nguyễn Khắc Nga bị thương nặng và bị địch bắt.

Đánh Sân bay Ubon Ratchathani

Trước năm 1972, Sân bay Ubon Ratchathani đã 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên quân đội Thái Lan tăng cường bảo vệ an ninh.

Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đã cùng Nguyễn Bá Do bí mật sang Campuchia gặp Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí. Đồng Văn Cống đã quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của Tiểu đoàn gồm 2 súng cối 82mm, 2 cơ số đạn, 200 thủ pháo tay cùng một số vật chất chiến đấu.

Ngày 02 tháng 10 năm 1972, một đội hình chiến đấu gồm 27 người của Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập. Đội được tổ chức thành hai bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người trang bị 1 súng cối 82mm, 40 quả đạn, do Nguyễn Công Mùi chỉ huy.

Khi đến vị trí, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch đã định. 40 quả đạn mang theo, 5 quả không nổ do ảnh hưởng thời tiết mưa gió ẩm ướt, 35 quả đạn còn lại đã nổ trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay và rút lui an toàn. Nhưng khi về tới gần biên giới, đội đã bị lọt vào ổ phục kích của đối phương, làm chết 6 lính đặc công.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Linebacker_II http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.faculty.virginia.edu/jnmoore/pdf/patter... http://www.afhso.af.mil/shared/media/document/AFD-... http://www.airpower.maxwell.af.mil/airchronicles/a... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/cuoc...